Người Quảng
Thứ 6, 29/03/2024

Lễ vật cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp

06/09/2017
​​​​​​​Lễ vật cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp bao gồm những gợi ý về các vật phẩm cúng, về cách thức cúng, về cách chọn đồ cúng cũng như tại sao phải chọn đúng ngày rằm 23 hằng năm để thực hiện các nghi thức cúng theo đúng phong tục truyền thống lâu đời của người Việt.

Ngày ông Táo ông Công về chầu trời được xem như ngày đầu tiên để bắt đầu một cái Tết ý nghĩa sắp đến, thế nên việc thực hiện các thủ tục, các nghi lễ cúng vái phải thật hoàn thiện, đầy đủ và tươm tất mong muốn thể hiện lòng thành kính, biết ơn, đồng thời cũng xin ơn trên chứng giám cho tấm lòng trong suốt một năm ròng rã vừa qua. Vậy tóm lại bàn lễ vật cúng Táo Quân bao gồm những thứ cần thiết gì?

Nào hãy cùng nguoiquang.com chúng tôi tìm hiểu bàn về lễ vật cúng Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp bên dưới đây nhé!

Nên cúng tiễn ông Táo về trời bằng cá chép giấy hay cá sống?

Xưa kia mâm cúng Táo Quân ở Bắc Bộ thường có cá chép kho, rán, hoặc làm gỏi với gửi gắm sang năm mới có cuộc sống no đủ, may mắn hơn. Tục này dần chuyển thành cá chép sống, sau khi làm lễ cúng sẽ mang ra ao, hồ phóng sinh. Những năm trở lại đây, để thuận lợi, nhiều người chuyển sang dùng cá giấy, cúng xong là hoá vàng.

Theo Đại đức Thích Minh Sơn, cá giấy hay cá chép sống đều được cả, tùy vào sự tiện lợi của gia chủ. Nhà Phật có câu Nhất thiết do tâm tạo (cái gì cũng do con người tạo nên). Người dân bày tỏ lòng thành với các bậc tiền nhân theo quan niệm và cái Tâm chứ Phật thánh không bảo phải cúng cái này, cái kia. Việc cúng cá chép sống hay giấy chỉ là do con người mượn để gửi tâm tư tình cảm, quan niệm sống vào đấy. Nếu cúng cá chép sống, gia chủ nên thả ở sông hay hồ lớn. Lưu ý nên bắt cá ra tay rồi thả xuống nước chứ không vứt cả túi nilon xuống sông, hồ rất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Bàn về lễ vật cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp phần 1

Mâm cỗ cúng lễ tiễn ông Táo về trời chay hay mặn?

Theo Đại đức Thích Minh Sơn (trụ trì chùa Kim Cổ 73 Đường Thành và Đền Hỏa thần 30 Hàng Điếu – Hà Nội), lễ vật cúng Táo Quân là do Tâm tạo nên. Thông thường, những người theo đạo Phật giữ giới không sát sinh thì cúng chay, còn người bình thường hay cúng lễ mặn.

Theo dân gian, lễ mặn cúng Táo Quân thường có 1 con gà trống luộc, hoặc 1 miếng thịt luộc (thịt vai, hoặc 1 khoanh giò), 1 đĩa xôi, 1 đĩa xào, 1 bát canh). Hoa quả (nên là ngũ quả, hoặc 1 loại có 5 quả), 5 bông hoa nhiều màu, trầu cau, rượu. Nếu có thể, mua 1 con cá chép sống để bên cạnh làm lễ để tiễn Táo công. Ngoài ra còn có hương đăng trà quả, 5 lễ tiền vàng, bánh kẹo tuỳ tâm.

Theo ông Nguyễn Đức Thiêm, CLB tâm linh Phương Đông (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người), sau khi bày lễ thì thắp 1 nén hương và khấn thỉnh (bài khấn Tết Táo Quân được in trong sách, bán ở các chùa).

Nén hương cháy được 1/3 thì thắp 3 nén hương nữa. Đợi 3 nén hương này cháy 2/3 thì tạ lễ, hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ… phóng sinh để cá chép hoá rồng, làm phương tiện để các Táo Quân lên chầu trời. Xưa, những nhà có trẻ con còn cúng một con gà luộc thuộc loại gà cồ (tức gà mới lớn, đang tập gáy), ngụ ý nhờ Táo Quân xin Ngọc Hoàng cho đứa trẻ có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ. Ở miền Trung, miền Nam, lễ vật đơn giản hơn. Người dân thường cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Cũng theo Đại đức Thích Minh Sơn, không nên đốt nhiều tiền vàng mã trong ngày cúng Táo Quân. Tục đốt vàng mã không phải của Phật giáo, mà theo quan niệm dân gian của Trung Quốc. Người Việt cũng bị ảnh hưởng bởi quan niệm này. Đốt mã nhiều trong ngày cúng Táo Quân không chỉ lãng phí mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường, không có lợi cho sức khỏe. “Nếu mọi người mang tiền đốt mã đi làm từ thiện sẽ quý hơn rất nhiều”- Đại đức Thích Minh Sơn chia sẻ.

Tại sao lại cúng Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm?

Xưa có hai vợ chồng son, nhà nghèo sống bằng nghề làm mướn. Một năm trời làm đói kém khắp nơi, người chồng từ biệt vợ đi kiếm ăn nơi khác, hẹn sau 3 năm không về thì vợ đi lấy chồng khác.

Người vợ ở nhà may mắn được một nhà giàu cưu mang nên thoát khỏi trận đói. 3 năm qua chồng nàng vẫn không về. Vợ người chủ qua đời. Sau 3 năm đoạn tang, nàng chờ thêm 1 năm nữa mới nối duyên với ông chủ tốt bụng. Được 3 tháng thì chồng cũ trở về, tìm đến an ủi và từ biệt. Người vợ nài nỉ và người chồng mới xin trả lại vợ, nhưng chàng nhất quyết ra đi. Rồi chàng treo cổ tự vẫn. Người vợ cảm thấy vì mình mà chồng cũ chết nên trầm mình xuống ao. Người chồng mới cũng tự dằn vặt mình nên uống thuốc độc tự tử.

Chuyện tình của họ làm Diêm vương cảm động, ngài đã hóa phép cho họ thành ba ông đầu rau để ngọn lửa luôn đốt nóng tình yêu và họ được sống gần nhau mãi mãi. Đồng thời phong cho 3 người chức Táo Quân trông nom bếp núc của từng nhà trên trần thế… coi sóc cuộc sống. Và cứ 23 tháng Chạp hàng năm thì cưỡi cá chép lên thiên đình bẩm tấu với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu của gia chủ. Từ đó người dân Việt Nam lấy ngày này làm Tết Táo Quân.

Trên đây là những lưu ý và hướng dẫn quan trọng, cần thiết nhất về bàn về lễ vật cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp hằng năm mà mọi gia đình nên tham khảo để tiện áp dụng thật suôn sẻ cho ngày cúng tạ ơn các vị thần được diễn ra một cách trọn vẹn, suôn sẻ và thật ý nghĩa. Cúng ông Táo ông Công là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống rất riêng của nước Việt Nam ta nên các bạn cần phải có sự hiểu biết thật kĩ để tiến hành các nghi thức cúng một cách đúng đắn đầy đủ nhất. Mến chúc bạn cùng gia đình đón Xuân vui. Đừng quên đồng hành và ủng hộ nguoiquang.com nhé!

  • cách cúng ông táo đơn giản
  • cúng ông táo ở đâu
  • cúng ông táo về nhà mới
  • cúng ông táo ở bếp hay bàn thờ
  • bài cúng ông công ông táo
  • lễ vật cúng ông táo
  • mâm cỗ cúng ông táo
  • rước ông táo về nhà
Người Quảng